Chiều 21/10, Tổ công tác triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia về dân cư, giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030 (Đề án 06) của Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm kiểm điểm, đánh giá tiến độ, kết quả thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06 và Nghị quyết số 175 của Chính phủ trong tháng 10/2024.
Chiều 21/10, Tổ công tác triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia về dân cư, giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030 (Đề án 06) của Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm kiểm điểm, đánh giá tiến độ, kết quả thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06 và Nghị quyết số 175 của Chính phủ trong tháng 10/2024.
Hội nghị do Đại tướng Lương Tam Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì. Tại điểm cầu Tuần Giáo, dự và chủ trì có đồng chí Hà Cầm Hồng - Chủ tịch UBND huyện, Trưởng BCĐ Cải cách hành chính Nhà nước - Chuyển đổi số - Đề án 06 huyện cùng lãnh đạo Công an huyện và các đồng chí thành viên BCĐ Cải cách hành chính Nhà nước - Chuyển đổi số - Đề án 06 huyện tham dự.
Báo cáo cho thấy, trong tháng 10, cả nước đã hoàn thành thêm 2 thủ tục: Điều chỉnh thông tin về cư trú và Nhóm thủ tục kiểm tra, xét duyệt nhân sự, cấp phép nhập cảnh cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam; đến nay, đã cung cấp 45/76 dịch vụ công.
Đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công cho thấy: 3 địa phương có tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến cao nhất, gồm: Bình Định, Bắc Giang, Cà Mau; thấp nhất là tỉnh Bạc Liêu. Các tỉnh Bình Định, Lai Châu, Cà Mau có điểm công khai minh bạch cao nhất; thấp nhất là tỉnh Thái Bình. Các tỉnh Long An, Tây Ninh, Hà Tĩnh đứng đầu về tỷ lệ hồ sơ đồng bộ lên Cổng dịch vụ công quốc gia; tỉnh Bến Tre có tỷ lệ thấp nhất.
Trên lĩnh vực ngân hàng, đã có 40,7 triệu hồ sơ khách hàng được thu thập, đối chiếu thông tin sinh trắc học với căn cước công dân gắn chip. 29 tổ chức tín dụng và 13 trung gian thanh toán đang triển khai ứng dụng VNeID cho 3 luồng quy trình nghiệp vụ chính, gồm: mở tài khoản thanh toán; xác thực giao dịch thanh toán; đối chiếu, xác thực thông tin khách hàng.
Về phát triển công dân số, đến nay, toàn quốc đã cấp 9,8 triệu thẻ căn cước cho công dân dưới 16 tuổi; trong đó 3,3 triệu trường hợp dưới 6 tuổi; 6,5 triệu trường hợp trên 6 tuổi. Cấp 260 giấy chứng nhận căn cước, đã thu nhận tổng số 547 mẫu ADN thân nhân liệt sĩ.
Về cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID, từ sau Hội nghị ngày 2/10/2024, đã có 9 địa phương triển khai chính thức cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID. Về Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID, Bộ Y tế đã thành lập tổ công tác; phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn cấp tài khoản liên thông và hướng dẫn liên thông dữ liệu trên VNeID...
Đến nay, Đề án 06 còn 38 nhiệm vụ chậm tiến độ, chưa chuyển biến, nguy cơ ảnh hưởng đến lộ trình nhiệm vụ của các bộ, ngành khác, điển hình như: chế độ giao ban, kiểm điểm tiến độ hàng tuần về triển khai Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp của các địa phương chưa thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Chính phủ và tổ công tác triển khai Đề án 06/CP.
Các đại biểu tham dự Hội nghị đã tập trung thảo luận nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được, những cách làm hay, hiệu quả và cả những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an ghi nhận, biểu dương những nỗ lực của các bộ, ban, ngành, địa phương trong đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 của Chính phủ. Đồng thời đề nghị, thời gian tới, với quyết tâm chính trị cao, cả nước đẩy mạnh triển khai và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia một cách xuyên suốt, hiệu quả; tiếp tục tham mưu với Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về việc số hóa; tạo lập, xây dựng các cơ sở dữ liệu làm căn cứ để các bộ, ngành, địa phương thực hiện theo lộ trình. Tập trung ưu tiên xây dựng kịch bản ứng dụng dữ liệu của các bộ: Tư pháp, Y tế, Giáo dục và Đào tạo... có sự gắn kết phát huy vai trò các bộ, ngành, địa phương theo hướng có dữ liệu đến đâu dùng ngay đến đó, bảo đảm người dân được thụ hưởng kịp thời./.
T/h: Lường Phượng